Đánh giá công nghệ y tế: Giải pháp để người bệnh được hưởng lợi

Đánh giá công nghệ y tế: Giải pháp để người bệnh được hưởng lợi

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế còn hạn chế thì việc đánh giá công nghệ y tế sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định lựa chọn và triển khai các công nghệ y tế phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Từ đó đảm bảo can thiệp y tế tốt nhất cho người bệnh.

Từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) tổ chức Hội thảo quốc tế “Ứng dụng đánh giá công nghệ y tế ở cấp độ bệnh viện: Kinh nghiệm trên thế giới và thực trạng tại Việt Nam” trong 2 ngày 26 – 27/5/2023 với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, cán bộ y tế cấp cao trong nước và các nước Liên Bang Nga, Thái Lan, Singapore sẽ tham dự bàn luận về vấn đề này.

Xung quanh vấn đề nêu trên, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về những giải pháp làm thế nào để người bệnh được chăm sóc tốt nhất trong bối cảnh hiện tại, những trao đổi xung quanh nội dung của hội thảo cũng như các ý kiến kiến nghị tới cơ quan quản lý Nhà nước về việc xây dựng chính sách cụ thể trong lĩnh vực ứng dụng đánh giá công nghệ y tế ở nước ta.

Đánh giá công nghệ y tế là một vấn đề được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới, vì thế, đề nghị bà chia sẻ về vai trò và ý nghĩa của đánh giá công nghệ y tế đối với ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung?

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy: Mục tiêu chính của đánh giá công nghệ y tế là giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định lựa chọn và triển khai các công nghệ y tế, can thiệp y tế phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Theo đó, đánh giá công nghệ y tế là một ngành khoa học giao thoa giữa rất nhiều ngành khoa học bao gồm: Y, Dược, Y tế công cộng, Thống kê, Kinh tế, Khoa học xã hội. Việc này giúp chúng ta đưa ra những can thiệp trong điều trị tác động lên sức khỏe của con người như: thuốc, vật tư y tế, thủ thuật phẫu thuật, xét nghiệm, vắc xin dự phòng….

Từ kết quả đánh giá công nghệ y tế sẽ đánh giá được lâm sàng, kinh tế, chất lượng sống, qua đó đưa ra được những can thiệp điều trị cho người bệnh phù hợp với ngân sách y tế hiện có.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế nói chung và phân tích tác động ngân sách đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT về thuốc chữa bệnh.

Bà nhận định như thế nào về sự cần thiết của đánh giá công nghệ y tế ở cấp độ bệnh viện tại Việt Nam ngay thời điểm này?

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy: Trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và làm việc tại quốc tế và Việt Nam, tôi có cơ hội làm việc với rất nhiều bệnh viện và nhận thấy để phát triển ngành y tế, chăm sóc cộng đồng về chất và lượng thì cần rất nhiều yếu tố trong đó đánh giá công nghệ y tế là một trong những giải pháp cụ thể, cần thiết để nâng cao chất lượng phục vụ ngành y tế.

Đặc biệt, tôi cho rằng đánh giá công nghệ y tế sẽ góp phần giải bài toán trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn chế nhưng chi phí y tế ngày một gia tăng, nhưng vẫn đảm bảo chăm sóc, can thiệp y tế tốt nhất cho người bệnh. Đây không chỉ là vấn đề mà các bệnh viện, ngành y tế quan tâm mà đang là vấn đề “nóng” của cả xã hội.

Chúng ta đều biết Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân, cộng đồng. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của hệ thống y tế là “Xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế”.

Tuy nhiên, do bối cảnh nguồn lực dành cho y tế đang càng hạn hẹp nhưng mục tiêu của nước ta là mong muốn nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân cùng việc đẩy mạnh y tế cộng đồng nên quỹ BHYT phải bao phủ ngày càng nhiều dịch vụ y tế. Vì vậy, việc đánh giá công nghệ y tế rất quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, chính sách BHYT để góp phần can thiệp y tế cho người dân được tốt hơn.

Tôi tin rằng, Hội thảo quốc tế “Ứng dụng đánh giá công nghệ y tế ở cấp độ bệnh viện: Kinh nghiệm trên thế giới và thực trạng tại Việt Nam” do HIU tổ chức lần này sẽ là nơi để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cùng các cán bộ y tế trong và ngoài nước cùng giao lưu, trao đổi và học hỏi, đưa những giải pháp kịp thời, phù hợp với điều kiện kinh tế – Xã hội của Việt Nam và theo kịp xu hướng hiện đại của thế giới.

Theo bà, những giá trị của hội thảo lần này sẽ mang đến cho người tham dự cũng như các đơn vị y tế, đơn vị giáo dục đào tạo có khối ngành sức khỏe tại Việt Nam là gì?

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy: Đây được xem là lần đầu tiên tại Việt Nam, trong lĩnh vực đánh giá công nghệ y tế ở cấp độ bệnh viện có được một hội thảo cấp quốc tế được tổ chức bởi HIU phối hợp cùng Tổng hội Y học Việt Nam và Viện HTARI.

Với sự có mặt của hơn 200 chuyên gia, cán bộ y tế đến từ Nga, Singapore, Thái Lan cùng với nhiều giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đến từ các cơ quan ban ngành, bệnh viện, trường đại học tại Việt Nam cùng giao lưu, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm, chúng ta tin rằng sẽ có nhiều góp ý, hiến kế và giải pháp để nâng cao quá trình đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam. Từ đó thúc đẩy việc tối ưu công nghệ y tế trong điều trị, nâng cao hiệu quả điều trị của người bệnh.

Với chủ đề xuyên suốt “Ứng dụng đánh giá công nghệ y tế ở cấp độ bệnh viện: kinh nghiệm trên thế giới và thực trạng tại Việt Nam”, hội thảo còn có rất nhiều bài tham luận về “Giá trị bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong lựa chọn can thiệp điều trị” và “Phương pháp và Công cụ đánh giá công nghệ y tế tại bệnh viện.”

Đặc biệt, chương trình tập huấn về “Phân tích tác động ngân sách – từ lý thuyết đến thực hành” còn có các tham luận của TS. Ong Thế Duệ (Viện Chiến lược và Chính sách y tế), PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy (Trưởng Khoa Dược Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng), PGS. TS. Phạm Huy Tuấn Kiệt (Trường ĐH Y Hà Nội).

Trong khuôn khổ chương trình, còn có hội thảo chuyên đề về “Cung ứng thuốc và vật tư y tế tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” với sự chủ trì của PGS.TS. Trương Văn Tuấn (Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM), ThS. Đỗ Văn Dũng (Sở Y tế TPHCM) cùng sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ là giảng viên Khoa Dược Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược TPHCM và BV Chợ Rẫy.

Thông qua hội thảo sẽ có sự giao lưu chia sẻ, thúc đẩy việc sử dụng thuốc, vật tư y tế cho người bệnh một cách tốt nhất. Người bệnh sẽ được hưởng chất lượng điều trị y tế cao nhất mà không tốn quá nhiều chi phí. Bệnh viện có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người bệnh trong điều trị mà vẫn đảm bảo ngân sách không bị vượt trần.

Đối với các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách y tế có nhiều công cụ để đưa ra quyết định lựa chọn trong việc tối ưu nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh đó, về lĩnh vực giáo duc – đào tạo, Hội thảo khoa học quốc tế lần này càng thêm ý nghĩa khi Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng với lĩnh vực mũi nhọn là khối ngành sức khỏe tổ chức.

Sinh viên, học viên của nhà trường sẽ được tiếp cận những kiến thức mới nhất, hiện đại nhất từ y khoa thế giới, được gặp gỡ những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và quốc tế. Qua đó, họ được nâng tầm về định hướng và nhận thức nghề nghiệp trong tương lai, mở mang được tầm nhìn về y dược không chỉ gói gọn trong bệnh lý mà còn ở khía cạnh quản lý.

Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động thực tiễn, bà có đề xuất gì để phát triển ngành khoa học đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam?

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy: Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách cụ thể và kịp thời trong ứng dụng đánh giá công nghệ y tế, cụ thể là các chính sách thúc đẩy việc đánh giá công nghệ y tế ở cấp độ bệnh viện nhiều hơn. Ví dụ như đưa ra khuyến cáo rõ ràng trong việc đánh giá và lựa chọn thuốc trong danh mục thuốc của bệnh viện.

Bên cạnh đó, việc đào tạo chuyên gia cần được thúc đẩy. Các buổi hội thảo quốc tế, khóa tập huấn dành cho cán bộ y tế tại bệnh viện cần được tổ chức thường xuyên hơn nhằm nâng cao kiến thức kỹ năng, thúc đẩy các dự án ứng dụng đánh giá y tế tại bệnh viện. Chúng ta có thể triển khai thí điểm tại một số bệnh viện để có kinh nghiệm ứng dụng và mở rộng trên nhiều cơ sở y tế khác.

Đặc biệt cần tạo lập và duy trì mạng lưới kết nối chuyên gia đánh giá y tế tại Việt Nam để có sự trao đổi, cập nhật thông tin và hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường kết nối với các nước trong khu vực và quốc tế.

Trong đào tạo, để có đội ngũ cán bộ chất lượng cho ngành y tế nước ta và theo kịp với xu hướng của thế giới, tại HIU, với lĩnh vực mũi nhọn là khối ngành sức khỏe. Riêng ngành dược có cả 2 chương trình đào tạo tiếng Việt và tiếng Anh. Chúng tôi đã có kế hoạch kết nối hợp tác với ISPOR (tổ chức quốc tế về nghiên cứu kinh tế dược và kết cục lâm sàng của Mỹ), một trong những đơn vị uy tín nhất về đánh giá công nghệ y tế trên thế giới. Trong thời gian tới, ISPOR sẽ có thêm nhiều chương trình hữu ích dành riêng cho HIU và y tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để mang đến cho sinh viên Khoa Dược của trường các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế hoặc học tiếp chương trình Pharm.D tại Mỹ (tương đương trình độ tiến sĩ). Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội học cao hơn tại HIU với 4 chuyên ngành bao gồm Chuyên khoa I và Thạc sĩ.

Xin cảm ơn bà!

Minh Thi (thực hiện)

Share